Như các bạn đã biết, đám mây Kumo trong bộ Ichimoku nâng cao có rất nhiều cách sử dụng, hôm nay chúng ta sẽ đi sâu sát hơn về đám mây Kumo với hy vọng tìm ra bản chất và cách sử dụng phù hợp cho các trader quan tâm đến bộ chỉ báo này
Ở bài trước, tôi đã chia sẻ đôi nét về đám mây Kumo cùng với chiến lược giao dịch đơn giản. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cơ bản, vẫn còn một số vấn đề cốt lõi về đám mây Kumo chưa được khai thác hết như độ dày đám mây, kháng cự, hỗ trợ , vấn đề khoảng cách giữa giá và đám mây,… Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ những góc nhìn khác trên mức độ căn bản một chút. Hy vọng sẽ góp vào kho tàng Ichimoku quý hiếm cho anh em.
ĐÁM MÂY KUMO LÀM KHÁNG CỰ/HỖ TRỢ TỐT KHÔNG?
Nếu giá nằm phía trên đám mây, tức là xu hướng hiện tại là xu hướng tăng. Đỉnh của đám mây là hỗ trợ đầu tiên của giá, còn đáy của đám mây sẽ là hỗ trợ thứ hai của giá.
Từ kinh nghiệm cho thấy, hai mức hỗ trợ này thực sự hiệu quả, nhưng một trong hai mức đó sẽ đưa ra tín hiệu hơi trễ 1 chút. Thường thường, tôi sẽ chờ cho giá ngày hôm đó kết thúc để biết liệu giá có đóng cửa dưới đám mây hay không, nếu có, thì mới xem xét khả năng đảo chiều của giá.
Ngược lại với xu hướng tăng, hai mức cao nhất và thấp nhất của đám mây Kumo cũng đóng vai trò làm kháng cự rất tốt.
Thường thì giá sẽ breakout qua mức kháng cự/ hỗ trợ đầu tiên của đám mây nhưng sau đó sẽ dừng lại đâu đó ở giữa đám mây. Khi điều này xảy ra, chúng ta phải xem xét mẫu hình nến hiện tại để phân tích xem giá có đưa ra tín hiệu đảo chiều hay không.
THỦ THUẬT VÀO LỆNH DỰA VÀO ĐÁM MÂY
Đám mây Kumo rất hữu ích khi sử dụng để vào lệnh. Chúng ta có thể vào lệnh ngay hoặc chốt một phần lợi nhuận bằng đám mây Kumo mà không cần phải chờ đến tín hiệu của đường MA. Phần này sẽ nói sâu hơn vào các kỳ sau
ĐỘ DÀY CỦA ĐÁM MÂY CÓ Ý NGHĨA GÌ KHÔNG?
Độ dày của đám mây rất quan trọng. Mây càng dày, giá càng ít có khả năng breakout thành công. Ngược lại, mây càng mỏng, cơ hội breakout càng cao. Do đó, bất kể là mây tăng hay mây giảm, Span A nằm trên hay Span B nằm trên, độ dày mới là vấn đề.
Giai đoạn mây mỏng sẽ cho chúng ta một gợi ý rằng thị trường có khả năng đảo chiều. Tương tự như vậy, nếu đám mây càng ngày càng dày, thì xác suất đảo chiều của giá càng ngày càng ít đi.
Vậy nếu mây dày, không thể breakout thì giá sẽ như thế nào? Theo Manesh Patel trong cuốn “Trading with Ichimoku Clouds: The Essential Guide to Ichimoku Kinko Hyo Technical Analysis” thì độ dày của đám mây có ảnh hưởng đến trạng thái chuyển động của giá. Cụ thể, nếu mây càng dày, xác suất thị trường đi ngang càng cao, giá sẽ dao động lên xuống trong một vùng cố định.
Khi một xu hướng cụ thể xuất hiện, đám mây Kumo sẽ mỏng lại và hai đường Span A – Span B của đám mây sẽ chỉ về một hướng dẫn lối cho giá.
PHÂN TÍCH ĐÁM MÂY CÒN PHẢI XEM XÉT ĐẾN ĐỘ DỐC NỮA !
Đúng vậy, độ dốc của đám mây cũng cho chúng ta rất nhiều thông tin hữu ích về giá. Cụ thể, nếu đám mây Kumo càng dốc, thì xu hướng tăng / giảm càng mạnh.
Cái này thì dễ hiểu rồi. Nhưng còn một điểm về độ phẳng của Ichimoku mà chúng ta chưa khai thác nữa. Đó là các đường Span A và B. Nếu một trong hai đường này phẳng càng lâu (đi ngang càng lâu) thì nó sẽ là một kháng cư/hỗ trợ cực kỳ có giá trị.
Như ở hình trên, trong quá khứ, tại mức giá 132.63, đường Span B của đám mây có một giai đoạn dài đi ngang, do đó, 132.63 chính là mức kháng cự rất mạnh cho giá hiện tại. Nhờ vào đặc điểm này, chúng ta có thể xác định được kháng cự và hỗ trợ trong tương lai rất hiệu quả.
Trên đây là những kiến thức bổ túc về đám mây Kumo trong bộ chỉ báo Ichimoku được tôi tham khảo từ Manesh Patel và Nicole Elliott. Xin mời các bạn đóng góp thêm ý kiến và tham gia thảo luận thêm về đám mây nhé.
THÔNG TIN ĐẾN BẠN, CHÚC BẠN THÀNH CÔNG.
- FX-B&I
Nguồn: TraderViet